LỊCH SỬ TÁI DIỄN!
Sau cuộc đảo chính ngày hai Tháng 12 năm 1852, Tổng thống Pháp là Louis-Napoléon Bonaparte bỗng đổi ngôi thành Hoàng Đế Napoléon III và lập ra Đệ Nhị Đế Chế (Second Empire) với nền móng kỹ nghệ cho “một nhà nước hiện đại”.
Nhà nước đó có những gì?
Napoléon III lãnh đạo một chế độ chuyên quyền, với bộ máy công an hiện diện mọi nơi, có hệ thống công chức đông đảo và chung thủy, các thẩm phán được bổ nhiệm như công chức để suy diễn luật lệ theo ý kiến của Hoàng Đế, truyền thông báo chí bị chế độ kiểm duyệt rồi kiểm soát qua các biện pháp truy tố và phạt vạ. Đối lập chính trị bị xiềng và trục xuất qua xứ thuộc địa là Algérie.... (Văn hào Victor Hugo châm biếm Napoléon III là Napoléon le Petit!)
Ngoài các lợi thế nói trên, Quân đội có “lời thề tâm huyết” với Hoàng Đế nên vừa đoàn ngũ hóa bộ máy sản xuất vừa đi chinh phục các thuộc địa mới - kể cả Đông Dương và Việt Nam sau này.
Giới tài phiệt - các doanh gia, ngân hàng, kỹ nghệ gia - ủng hộ chế độ lại tự xưng là nhà hảo tâm, “mạnh thường quân” (philantropes): họ đồng ý thực hiện xã hội chủ nghĩa kiểu Saint-Simon và cho rằng nạn độc tài chỉ là một giai đoạn cần thiết để toàn dân cùng tiến lên kỷ nguyên hiện đại, khi con người sẽ làm chủ máy móc.
Một luật sư, nhà báo và người nổi loạn kinh niên cho chế độ cộng hòa tại Pháp là Maurice Joly sớm nhìn ra xảo thuật gian trá đó. Năm 1864, ông trình bày chi tiết trong cuốn “Dialogue aux Enfers entre Machiavel et Montesquieu”. Nội dung là ẩn dụ về đối thoại dưới Địa Ngục giữa nhân vật vương đạo là Montesquieu và tay bá đạo gian hùng là Machiavel.
Dân Á Đông có thể liên tưởng đến cuộc tranh luận giữa Nho gia và Pháp gia. Một chế độ gian hùng tàn ác có thể ngụy trang ách độc tài toàn trị dưới vỏ bọc dân chủ, nhân trị, thậm chí xâm nhập và xoay chuyển để xuyên tạc và vô hiệu hóa các đoàn thể đối lập qua thủ thuật là cái gì cũng nói sẽ thực hiện cho toàn dân mà thực tâm chỉ muốn củng cố chế độ cho tay chân, hay tay sai....
Nhưng rồi Đệ Nhị Đế Chế Pháp cũng tiêu vong năm 1871 và Hoàng Đế banh càng trước sự lớn mạnh của nước Phổ đã thống nhất thành nước Đức!
Ai đã đọc kỹ tác phẩm của Maurice Joly và ngẫm nghĩ về chế độ dân chủ hiện nay tại Hoa Kỳ có thể nghĩ rằng lịch sử lại tái diễn...
Nếu đọc kỹ, ta thấy Maurice Joly đã sớm tiên đoán hình thái độc tài ngụy danh dân chủ, như đang thấy tại nhiều xứ cộng sản và nhiều quốc gia bị sa đọa về chính trị! Cũng có bầu cử, có đối lập cuội, cũng cùm mồm báo chí và dùng tiền bạc lũng đoạn chính trị! Maurice Joly còn nói rõ, từ 1864: "Với các xã hội mới, người ta cần áp dụng nhiều phương thức mới: ngày nay, muốn cai trị người ta không thể dùng bạo lực, trấn lột kẻ có tiền, tước đoạt tài sản, không thể phổ biến việc đàn áp, hay thủ tiêu; không, cái chết và sự hành hạ người dân chỉ còn vai trò phụ thuộc trong chính sách cai trị các nước hiện đại. Ngày nay, người ta ít bạo hành con người mà chỉ cần giải giới họ, ít cần dồn nén mà cần xóa bỏ nhiệt tình chính trị; khỏi cần chống phá bản năng mà cần đánh lừa, không nên cấm đoán các tư tưởng mà cần chiếm đoạt các ý kiến đó, làm như là của mình"... Sự tinh vi và độc ác của hình thái cai trị mới này là điều ma quái ít ai ngờ! Nó độc ác vì áp dụng hệ thống luật lệ có thể bảo vệ sự tồn tại của chế độ khi muốn biến thần dân thành kẻ hèn nhát, chỉ biết cúi đầu. Bản sắc dân Mỹ không thể như vậy nên chúng ta sẽ chứng kiến sự va chạm khốc liệt....
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét