Thứ Ba, 29 tháng 12, 2020

Tiểu sử Lê Văn Siêu

 Lê Văn Siêu (1911 – 1995)

27/12/2019
tacpham-levansieu
Hình bìa tác phẩm "Truyền Thống Dân Tộc" của Lê Văn Siêu

Lê Văn Siêu là nhà văn, nhà báo, sinh năm 1911 ở Hà Nội (có sách ghi năm sinh ông 1912).
Thuở nhỏ ông học ở Hà Nội, tốt nghiệp trường Công nghệ Thực hành Hải Phòng. Năm 1932 ông làm việc tại Sở Công chánh Hà Nội (Đốc công Nhà máy gạch Đáp Cầu). Những năm 1940, ông cộng tác với nhóm Hàn Thuyên của Nguyễn Đức Quỳnh, cùng Trương Tửu, Đặng Thái Mai. Ông viết cho báo Tiếng Trẻ và viết một số sách về thanh niên và thực nghiệp do nhà Hàn Thuyên xuất bản trước Thế chiến thứ II. Năm 1934 - 1936 ông làm Chánh văn phòng Nghiên cứu Kỹ thuật cho Sở Hỏa xa Hồ Nam - Quảng Tây (Trung Quốc). Khoảng năm 1938 -1944 ông chuyển về làm việc ở Sở Công chánh Hà Nội. Thời gian này ông hợp tác chặt chẽ với nhóm Hàn Thuyên viết các loại sách về tân văn hóa và giữ chức Trưởng ban Khánh tiết Hội Truyền bá Quốc ngữ Hải Phòng.
Sau toàn quốc kháng chiến, ông tản cư ra vùng tự do tham gia Hội đồng Chuyên môn Sản xuất Kỹ nghệ ở Liên khu III. Năm 1947 ông bị Pháp bắt về Hà Nội. Năm 1949 ông chuyển vào sống ở Sài Gòn làm nghề thầu khoán, cho đến năm 1952 ông làm chủ bút báo Mới của Phan Văn Tươi, rồi cộng tác với tuần báo Phương Đông cho đến hiệp định Genève 1954. Từ năm 1959 ông làm chủ bút cho báo Cách Mạng Quốc Gia, nguyệt san Sáng Dội Miền Nam. Năm 1967 ông được mời dạy một số giờ tại Đại học Vạn Hạnh, Cao đẳng Phật học Huệ Nghiêm ở Sài Gòn.
Ông mất năm 1995 tại Thủ Đức, Sài Gòn, hưởng thọ 84 tuổi.
Các tác phẩm chính của ông đã xuất bản:

- Hợp lý hóa Taylor (Hàn Thuyên, 1940)
- Thanh niên và thực nghiệp (Hàn Thuyên, 1940)
- Luân lý và thực nghiệp (Hàn Thuyên, 1941)
- Tương lai kỹ nghệ Việt Nam (Hàn Thuyên, 1942)

-   Văn minh Việt Nam (1954, Sài Gòn)
- Nếp sống tình cảm của người Việt Nam (1955, Sài Gòn)
- Nguồn gốc văn học (Thế giới, 1956, Sài Gòn)

-   Học để làm gì? (1957, Sài Gòn)
- Văn học đời Lý (1957, Sài Gòn)
- Sửa đổi lề lối làm việc (1958, Sài Gòn)

-   Giai nhân kỳ ngộ (Phan Châu Trinh, chú thích, 1958, Sài Gòn)
- Tân Xuân tùy bút (Nguyễn Đình Vượng, 1960)
- Việt Nam văn minh sử cương (1967, Sài Gòn)
- Quốc sư Vạn Hạnh (kịch, 1967, Sài Gòn)

-   Truyền thống dân tộc (1968, Sài Gòn)

-   Việt Nam văn minh sử lược khảo (1972, Sài Gòn)
- Văn học sử thời kháng Pháp (1973, Sài Gòn)

Để tưởng nhớ nhà văn, nhà báo quá cố Lê Văn Siêu, kính mời quý độc giả đọc lại một truyện ngắn của ông đã đăng trên tạp chí Sáng Tạo số 1 phát ngày tháng 10, 1956 tại Miền Nam Tự Do.

 

QUÁN CHÁO LÚ

Vua Tề bị quân Sở phản công đánh thua một trận, khi đường rút binh chạy về, vua chém gẫy hết những cây mọc hai bên, và bao nhiêu lương dân của Sở không kịp tránh cũng đều bị quân sĩ của vua giết cả.

Giết như vậy đã chân tay, về đến gần ranh giới hai nước, vua ra lệnh cho quân sĩ gặp kẻ nào trên đường thì bắt hết về làm tù binh để dân chúng trong nước khỏi dị nghị về trận ra quân ấy.

Hàng muôn vạn tù binh, khóc mếu lũ lượt đi giữa những ngọn giáo mác của đoàn quân hùng hổ như một đoàn quân đại thắng.

Về đến triều đường, vua ngồi trên ngai truyền lệnh cho hỏi khẩu cung của từng tên tù binh một. Hỏi tới đâu lại xử luôn tới đó. Kẻ bị giết, kẻ bị khổ sai, kẻ bị giam, nhiều không xiết kể.

Cuối cùng đến một trang thanh niên hiền hậu, trạc ba mươi tuổi. Thanh niên ấy thưa:

-          Muôn tâu Bệ hạ, tên con là Lú. Con không phải dân của nước Sở, cũng không phải nước Tề, mà là dân nước Giao Chỉ lưu lạc tới vùng biên giới hai nước để kiếm ăn. Cha mẹ chết cả, con chưa có vợ có con. Con chỉ có mỗi một nghề mọn để sinh nhai qua ngày là nghề nấu cháo.

Vua hỏi:

-          Nghề nấu cháo là nghề khó khăn gì đâu mà ngươi khai đời nọ truyền cho đời kia một cách bí mật đến thế?

-          Bẩm, bất cứ nghề gì, hễ tinh luyện lâu năm, cũng đều đạt đến nghệ thuật siêu đẳng. Như nghề nấu cháo của con từ mười đời nay, không phải nấu với gạo củi như người thường, mà nấu bằng một thứ ngọc của gạo. Không cần ăn cháo, mà chỉ cần ngửi hơi cháo người ta cũng đã đủ no. No đây lại là cái no vui sướng, quên hết ưu phiền, cái no thảnh thơi trong người, thoải mái trong tinh thần, không thù oán căm hờn, không ganh tị hằn học vì danh hay vì lợi.

-          Ngươi hãy nấu thử tại đây cho trẫm coi!

Lú tuân lệnh, nấu thử. Một lát hơi cháo bốc ra khiến cả triều đình, vua và văn võ bá quan, người nào cũng đều thấy như lời đã khai của Lú.

Một vị quan ghé tai vua bàn chuyện cơ mật. Vua gật đầu mà truyền cho Lú:

-          Ngươi hãy dạy lại nghề ấy cho Thái tử.

-          Tổ tiên con đã có lời di chúc không được truyền dậy nghề này.

-          Trẫm sẽ phong tước cho ngươi.

-          …

-          Trẫm sẽ ban cho ngươi mười muôn dặm đất.

-          …

-          Trẫm sẽ gả Công chúa cho ngươi.

-          Tất cả, con đều không dám bái lĩnh.

-          Nếu không chịu, trẫm sẽ lấy đầu ngươi. Bây giờ cho ngươi được suy nghĩ. Hẹn hai năm nữa tới đây, một là chịu truyền nghề thì vinh hoa phú quí, mà hai là mất đầu.

Lú ra về, và hai năm sau thì sửa soạn tới triều đường để chịu tội chết.

Đêm hôm trước, Lú nằm ở nhà trọ tại kinh đô với vợ và một đứa con nhỏ, để chờ phiên chầu sáng mai, cụ tổ mười đời nhà Lú hiện về, cho Lú một viên thuốc để nuốt đi và dặn dò mấy câu.

Sáng ngày, Lú vào triều, vua thấy mặt thì hỏi:

-          Khá khen ngươi đã giữ được chữ tín. Nhưng ngươi đã suy nghĩ kỹ chưa?

-          Muôn tâu Bệ hạ, con đã suy nghĩ kỹ, nên nay xin đến để Bệ hạ lấy đầu.

-          Được lắm. Đao phủ hãy sẵn sàng: Ngươi còn muối trối trăng điều gì nữa chăng?

-          Con chỉ xin Bệ hạ một điều là khi đã mất cái đầu rồi thì Bệ hạ cho phép con được tự ý đi ra khỏi nước này của Bệ hạ để sinh nhai.

Vua y cho.

Một hồi trống giục giã vang lên. Thanh đao của đao phủ bập xuống và đầu thằng Lú rời khỏi xác lăn lông lốc.

Ở nơi cổ họng nó sùi lên một cái bọt và lớn dần thành một cái đầu khác mà mắt thường của vua quan và mọi người không trông thấy.

Lú đứng dậy, cúi lạy nhà vua mấy lạy cám ơn, rồi đi ra khỏi triều đường lần về nơi quán cháo cũ để lại tiếp tục nghề cũ của mình.

Lần này, vì không còn cái đầu phàm tục cũ, Lú săn sóc việc nấu cháo bằng lòng chân thành của mình, nên nghệ thuật càng tinh vi hơn. Trước hơi cháo chỉ bay xa một dặm, thì bây giờ bay xa muôn vạn dặm. Trước hơi cháo chỉ khiến người ta quên căm hờn buồn não cũ, bây giờ hơi cháo làm người ta vui vẻ, thương yêu nhau.

***

Sau đó ít lâu, vua Tề lại đem đại binh mã qua đánh Sở để trả thù.

Khi quân sĩ ra khỏi địa phận nước nhà đi ngang qua quán cháo của thằng Lú thì ngửi phải hơi cháo bốc từ nồi cháo ra, người nào cũng quên hết mối hận thù nước Sở, quăng bỏ cả gươm giáo rồi nhảy múa, ca hát như trong một cảnh thái bình thịnh trị vậy.

Vua Tề thấy tinh thần quân sĩ như thế thì lấy làm lạ và vô cùng sợ hãi. Sau cho người thám thính mới biết là tại nồi cháo của thằng Lú. Ngài bực mình sai quan đi đòi thằng Lú tới. Nhưng khi quan khâm sai tới quần quán cháo, ngửi phải hơi cháo cũng lại đâm ra quên cả lệnh vua rồi vui chơi với mọi người, không trở về phục mệnh nữa.

Bất đắc dĩ ngài phải thân hành đi tới. Nhưng chính ngài cũng không dám đến gần quán cháo. Còn sai ai thì cũng lại không dám vì sợ người ấy lại đi mất hút.

Cả bộ tham mưu đành ngồi khoanh tay đứng cạnh ngài ở xa xa để ngó vào nồi cháo.

Ngài chợt nẩy ra một ý kiến. Ngài rút mũi tên lắp vào cây cung lớn và giương cung bắn vào nồi cháo, mục đích để làm nó vỡ ra thì sẽ hết hơi.

Nhưng khi mũi tên bay đến gần nồi cháo, gặp hơi cháo tỏa ra, cũng lại đâm ra ngơ ngác, quay lộn mấy vòng rồi rơi xuống đất.

Ngài bắn bao nhiêu mũi tên ra cũng đều bị như vậy cả.

Trong khi vô cùng bối rối, có người mưu sĩ bày kế:

-          Hơi cháo chỉ theo gió bốc lên được trên không mà không thể xuyên qua được mặt đất để xuống dưới. Nếu bây giờ đào hầm từ nơi này đến tận bếp lửa rồi cho người thọc gươm lên chọc thủng nồi cháo, ắt là thành công.

Kế ấy hay, lập tức được thi hành.

Và mười ngày sau, khi hầm đã đào xong, một vị thượng tướng đai giáp chỉnh tề được lệnh của vua, chui xuống hầm để đi chọc thủng nồi cháo của thằng Lú.

Quả nhiên nồi cháo thủng, bếp tắt và hơi cháo không bốc lên nữa. Tinh thần quân sĩ lại hăng hái như trước. Vua quan bây giờ mới dám tiến lại gần thằng Lú.

Lú đứng dậy lạy chào.

Vua tuy giận, nhưng bởi đã có lời hứa hôm trước nên không biết làm sao. Ngài đành dùng giọng ôn tồn để nói với nó:

-          Đường này là đường của quân đội ta đi qua. Ngươi hãy vui lòng dẹp quán tạm tránh đi lối khác làm ăn. Đó là một cách ngươi giúp ta nhiều lắm vậy.

-          Nhưng con sợ đi đến đâu người ta cũng lại đuổi con đi như thế này thì tội nghiệp quá.

-          Không ngại, ta có một đường hầm dưới này, ngươi hãy tạm xuống đó làm ăn, đợi khi dẹp xong nước Sở thì ngươi lại trở lên. Khi đó, ngươi muốn gì ta sẽ cho ngươi vừa ý.

Lú vâng lời, dắt vợ và đứa con ba tuổi đi xuống hầm ấy.

Không dè đường hầm quanh co, Lú lạc cả vợ con, lại đi lạc luôn xuống Âm phủ. Đến một chỗ cảnh vật xinh tươi, nhiều bóng người qua lại, Lú dừng lại, dựng quán và nấu cháo như cũ.

Các hồn ma khi bị quỷ xứ áp giải ngang qua đường ấy để vào cung điện Diêm Vương, trước khi chưa có quán cháo, thì kẻ nào cũng khóc mếu, nào nhớ vợ thương con trên trần, nào tiếc sự nghiệp công danh đã dày công vun đắp, nào lo sợ tội lỗi đã lỡ phạm rồi… Cảnh Âm cung toàn là những khóc than, buồn lắm!

Đến khi có quán cháo của thằng Lú, các hồn ma đi ngang qua, ngửi được hơi cháo ấy thì quên hết những việc cũ trên trần và vui vẻ một cách kỳ lạ.

Diêm vương thấy thế cho người điều tra, thì phán quan giở sổ ra đọc, quả có thấy chép: Ngày ấy, tháng ấy có thằng Lú tới đặt quán cháo để các linh hồn quên những đau buồn ham muốn cũ mà vui sống với nhau.

Diêm vương gật đầu, cho là số Trời phải thế.

***

Trải hai ngàn năm qua, từ đời Xuân Thu cũ đến thời mới, Lú cứ vui vẻ ngồi nấu cháo, không thiết đến việc trở lại dương gian.

Một hôm, người ta bắt về trình với Diêm Vương một lũ người, cũng khai là nghề nấu cháo Lú ở trên trần, nấu bằng giấy mực, mục đích để người ta quên cha, quên mẹ, quên vợ, quên chồng, quên cả thầy trò bạn bè, để chỉ còn có một vọng tâm về quyền lợi và địa vị trong sự tranh bá đồ vương.

Ngài sực nhớ thằng Lú và lo sự thay cho loài người. Nhân lại sợ mang tội với bề trên là hai ngàn năm qua, bao nhiêu linh hồn đã được đi đầu thai cả, duy có thằng Lú thì bị ngài bỏ quên. Ngài vội vã cho đòi Lú tới mà phán:

-          Ngươi xuống đây đã lâu. Nay đã mãn hạn vậy cho ngươi được đi đầu thai mà trở về dương thế.

Lú sợ hãi, quỳ tâu:

-          Muôn tâu Bệ hạ, đời con chỉ có một nghề nấu cháo này cho người ta quên hận thù mà trở lại thương yêu vui vẻ với nhau trong lễ nghĩa và liêm sỉ. Nghề ấy con không làm thì không sống được. Cũng như con ong phải gây mật, con tầm phải nhả tơ. Nay Bệ hạ thương đến mà cho con được đi đầu thai, con rất cám ơn, nhưng con không biết phải làm kiếp gì, sợ thiên hạ bây giờ không ưng món cháo ấy, cho là có hại cho họ, rồi lại đuổi con đi như vua Tề thuở nọ.

Diêm Vương phán:

-          Số là con chưa rõ, trên trần hiện giờ đang có một lũ nấu cháo lú giả, bắt chước theo nghệ thuật của người Tề từ phương Bắc lan xuống, khiến cho người ta say mê chém giết và làm hại lẫn nhau, không còn tình nghĩa vợ chồng, cha con, anh em, bè bạn gì hết. Cảnh dương thế bây giờ đương là một cảnh đọa đày. Muôn triệu chúng sinh đương hụp lặn trong bể nước mắt. Phải có thứ cháo Lú thực mới khiến được người ta đừng ngửi phải hơi của thứ giả. Bổn phận con là phải trở lên trên trần, dầu tủi nhục mấy cũng nên cam chịu. Con cũng sẽ được giữ nghề cũ, nhưng lần này, nấu bằng giấy mực. Nếu như cả mặt đất quả thực sẽ không đâu dung được nghề của con, thì con lại xuống đây với ta, con vẫn luôn luôn là một kẻ rất cần cho mọi linh hồn.

Thấy thằng Lú vẫn còn ngần ngừ chưa quyết, Diêm Vương lại phán:

-          Con nên can đảm mà nhận cái nghiệp ấy. Các cụ tổ của con chắc cũng sẽ đồng ý với ta. Đây, ta cho đi mời hết thẩy các cụ lại.

Lệnh của Diêm Vương truyền đi. Một lát các cụ tổ nhà Lú lục tục đến ngồi cả xung quanh.

Khi đã đông đủ. Diêm Vương trình bầy lại những việc vừa qua và nói lại những lời vừa nói.

Tất cả các cụ tổ nhà Lú đều gật đầu khuyên cháu ra đi:

-          Chúng ta biết lần này sứ mạng của con sẽ khó khăn gấp muôn ngàn lần trước. Vậy chúng ta cho thêm con một lá bùa nữa để con cho thêm vào nồi cháo. Đó là cái bùa Thương Yêu, mà không có nó thì loài người sẽ không thành được loài người.

***

Vậy, hồn thằng Lú đầu thai làm một nhà văn hóa.

 

LÊ VĂN SIÊU

Tiểu sử Tạ Chí Đại Trường

 

Tạ Chí Đại Trường


(21/6/1938 Nha Trang – 24/3/2016 Sài Gòn). Hưởng thọ 78 tuổi

Nhà sử học, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam.

Ông là tác giả cuốn Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1802, đặt lại vấn đề về vai trò của nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam

Tác phẩm này từng đoạt giải thưởng văn chương toàn quốc (VNCH) bộ môn Sử năm 1970.

Tiểu sử
Tạ Chí Đại Trường sinh ngày 21 tháng 6 năm 1938 tại Nha Trang, nhưng quê gốc ở Bình Định.[1] Tên của ông, Đại Trường, được ghép từ hai địa danh của tỉnh Khánh Hòa là Đại Lãnh và Trường Giang (sông Cái).[2]Ông là con trai Cử nhân Hán học Tạ Chương Phùng, nhà hoạt động phong trào độc lập dân tộc thập niên 1940 – 1950 cùng với ông Ngô Đình Diệm, sau làm tỉnh trưởng tỉnh Bình Định và thành viên nhóm Caravelle.

Năm 1964 Tạ Chí Đại Trường tốt nghiệp bằng thạc sĩ chuyên ngành Lịch Sử tại Viện Đại Hoc Sài Gòn rồi nhập ngũ. Ông phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1964 cho tới năm 1974 với quân hàm đại úy.[3] Trong thời gian chiến tranh, Tạ Chí Đại Trường bắt đầu sưu tập tiền cổ và tập trung nghiên cứu về đề tài này. Những bài viết của ông về tiền cổ trong thời gian này sau đó đã được giới nghiên cứu sử học quốc tế đánh giá cao.[4]

Năm 1964 trong thời gian học cao học, Tạ Chí Đại Trường cho ra đời một cuốn tiểu luận về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1771 đến 1802 trong đó ghi lại những sự kiện xoay quanh cuộc nội chiến giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Tác phẩm này đã đoạt Giải thưởng văn chương toàn quốc, bộ môn Sử năm 1970 và được nhà xuất bản Văn Sử Địa in thành sách năm 1973 với tựa đề Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1802. Sau năm 1975, cuốn sách với nội dung đặt lại vấn đề về nhà Tây Sơn đã khiến Tạ Chí Đại Trường gặp nhiều rắc rối và bị tù cải tạo đến năm 1981. Lịch sử nội chiến bị cho là “hạ thấp Quang Trung, đề cao Gia Long” và bị cấm lưu hành tại Việt Nam trong một thời gian dài và chỉ được in lại trong nước từ cuối thập niên 2000.[5]

Từ tháng 8 năm 1994, Tạ Chí Đại Trường bắt đầu định cư tại Hoa Kỳ. Do điều kiện cuộc sống, phải tới mười năm sau ông mới quay trở lại Việt Nam và khó có cơ hội tiếp xúc với tài liệu sử học trong nước, vì vậy Tạ Chí Đại Trường phải từ bỏ những đề tài chuyên biệt để tập trung nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung thông qua các tư liệu ông thu thập được qua nhiều nguồn ở Mỹ, kể cả từ các chợ sách ngoài trời.[4] Tại Mỹ ông bắt đầu cho in các tác phẩm chính của mình như Những bài dã sử Việt (1996) vốn là tập hợp các bài viết ở Việt Nam của ông giai đoạn 1984-1986[2] hay cuốn Thần, Người và Đất Việt (1989, 2000). Cuốn Thần, Người và Đất Việt khi xuất hiện không chính thức ở Việt Nam đã được đánh giá cao, nhiều nhà sử học Việt Nam đã nhận xét rằng Tạ Chí Đại Trường là một chuyên gia sử học, dân tộc học đáng tin cậy.[6] Kể từ cuối thập niên 2000, sách của Tạ Chí Đại Trường mới được chính thức in và phát hành tại Việt Nam. Năm 2014, Tạ Chí Đại Trường đã được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh hạng mục Giải Nghiên cứu.[7]

Mắc bệnh nan y, Ông đã từ Mỹ về lại Việt Nam vào ngày 4 tháng 10 năm 2015 với ý nguyện sẽ “gửi nắm thân tàn” lại nơi quê hương.

Phong cách nghiên cứu
Đáp lại ý kiến nói Tạ Chí Đại Trường không chú trọng việc đi điền dã, khảo sát thực địa, ông cho rằng công việc nghiên cứu sử học không phải lúc nào cũng cần tới việc đi điền dã trực tiếp vì nhà sử học hoàn toàn có thể sử dụng các tài liệu ghi chép của người đi điền dã.[2][4] Theo Tạ Chí Đại Trường, sở dĩ tác phẩm của ông được đánh giá là có giọng điệu riêng và cách lập luận độc đáo vì ông chưa từng tham gia chính thức một cơ quan nghiên cứu lịch sử nào vì vậy đã thoát ra được khỏi hệ thống quan điểm truyền thống về lịch sử Việt Nam, hơn nữa tuy rất nghiêm túc trong công việc nghiên cứu nhưng ông không đặt nặng việc tác phẩm của mình viết ra phải có độc giả.[4]

Tác phẩm

Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802

(1991, in lại từ bản gốc năm 1973)
500 trang
http://vietmessenger.com/books/?title=lichsunoichienovietnam#1
Thoát khỏi sự ràng buộc bắt nguồn từ những định kiến và lập trường chính trị, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 đã dựng lại chi tiết bàn cờ quyền lực trong xã hội Đại Việt nửa cuối thế kỷ 18. Những liên minh và đối địch, tạm thời hay lâu bền dựa trên căn bản quyền lợi thiết thân được tái hiện sinh động: những giáo sĩ thừa sai và các nhà buôn Tây phương, nhóm di dân Hoa kiều và cướp biển Tề Ngôi, các thế lực ngoại bang Xiêm La và Mãn Thanh, nhà Lê-Trịnh thời mạt diệp và những vị hoàng thân chạy loạn… Vượt lên trên hết là gương mặt hai đối thủ lớn nhất của thời đại: Quang Trung Nguyễn Huệ và Gia Long Nguyễn Ánh.

Trong số rất nhiều sách sử, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802 chiếm một địa vị thật riêng. Ngay từ khi xuất bản lần đầu năm 1973, tác phẩm đã được học giới nhìn nhận như một công trình chung quyết về lịch sử phân ly và nhất thống đất nước. Nhà chuyên môn tìm thấy ở sách một tinh thần học thuật không vì nể, người đọc phổ thông tìm thấy trong sách những câu chuyện xảy ra nhiều thế kỷ trước mà ảnh hưởng còn mãi đến ngày nay.7

Tiểu sử Vũ Hữu San

  Vài dòng về Tác-giả Vũ Hữu San (1)

 Vũ Hữu San, sinh-quán Đái-Nhân, Hoa-Lư, Ninh-Bình; học trò của các Thầy Tăng, Cao, Ngọc ở Làng Cối, Nho Quan; cựu học-sinh Chu-Văn An, cựu sinh-viên Toán các Đại-học Sài-Gòn, Đà-lạt, Huế; tốt-nghiệp các Trường Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang (hai ngành chỉ-huy và cơ-khí) và Trường Chỉ-Huy Tham-Mưu Đà-Lạt.

Hầu hết binh nghiệp của Ông là hải-vụ, từng làm Hạm-Trưởng qua đủ các loại chiến hạm. Chiếc cuối cùng là chủ-lực-hạm của Hải-Quân Việt-Nam: Khu-Trục-Hạm Trần-Khánh-Dư HQ-4. Trong chiến dịch Bảo Vệ Hoàng Sa, là Sĩ-Quan Thâm-niên hiện-diện trên biển, Ông được chỉ định làm Chỉ Huy Trưởng Hành-Quân vùng Hoàng-Sa. Một Sĩ-Quan khác thay thế Ông trong ngày cuối cùng, Vị này chỉ-định Hạm-Trưởng Vũ Hữu San làm Chỉ-Huy-Trưởng Phân-Đoàn 1 khi hải-chiến.

Tại hải ngoại, Cựu Hạm-Trưởng San tốt-nghiệp Cử Nhân Cơ-Khí, làm Kỹ-Sư, Ông theo học Post Graduate School, rồi làm Chuyên-gia Tin-học (IT). Về hưu từ 2002. Một đôi khi thấy Ông cộng-tác cùng đại-lão Giáo-Sư Nguyễn-Khắc-Kham trong công-tác văn-hoá.

Tác-phẩm của Ông chuyên về biên-khảo Hàng-hải, Ghe-thuyền và Văn-Hóa “Nước” cổ-truyền của dân-tộc. Ông là tác-giả các quyển sách sau:

- Lược-Sử Tổ-Chức Hải-Quân VNCH

- Địa-Lý Biển Đông với Hoàng-Sa & Trường-Sa

- Vịnh Bắc-Việt & Chủ-Quyền Hải-phận

- Tài-liệu Hải-Chiến Hoàng-Sa

- Sơ-lược Hải-Sử & Thuỷ-Quân Nước ta

- Văn Hóa Nước

- Chiến-hạm & Chiến-Đĩnh VNCH

Ghe Thuyền Việt-Nam

Nhiều cuốn Sách và bài viết khác của Ông có thể tìm thấy trên các trang http://vuhuusan.tkhttp://haichienhoangsa.tkhttp://biendong.tkhttp://vanhoanuoc.tkhttp://paracels.tk.

Địa-chỉ: 366 Camino De Estrella, #231, San Clementé, CA 92672, vuhuusan@yahoo.com.

20201229 Nguyễn Xuân Nghĩa - Mừng Xuân Nhớ Nước - Khẳng định Kinh Dương Vương không hề là tổ tiên của người Việt Nam