Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2024

Lịch sử về ngày Quốc Tế Phụ Nữ - International Women's Day

Nói trước là tôi không thích ngày 8 March.

Đơn giản là người Nước Nam có một lịch sử gần hai ngàn năm tôn vinh người phụ nữ Nước Nam anh hùng là ngày 6 Tháng Hai Âm Lịch.

Trưng Nữ Vương là 2 vị vua đầu tiên của Nước Nam và cũng là hai vị Phụ Nữ Anh Hùng đầu tiên của Nước Nam được chép lại trên sách.

Có cái lịch sử tốt như vậy, sao không kỷ niệm? Đi rước cái ngày quốc tế về làm gì?



Bọn "dư luận viên" hay chửi lũ "phản động" chúng tôi là "me Tây", ủa vậy chứ rước cái ngày của Cuốc Tế về thì không "me Tây".

Rước cái ngày Cuốc Tế về đã là "cám hấp" rồi, lại còn bịa thêm ra cái ngày 20 Tháng Mười và cố tình dùng thuật ngữ "Ngày Phụ Nữ Việt Nam" để nhồi sọ quần chúng. Ngày 20 Tháng Mười chẳng qua chỉ là ngày thành lập Hội Liên Hiệp Phụ Nữ (theo cộng sản) thôi mà. Không lẽ tất cả phụ nữ ở VN đều là cộng sản hết hay sao?

Trên đây chỉ là quan điểm cá nhân. Còn dưới đây chỉ là dịch lại chữ viết trên web của United Nation (Liên Hợp Cuốc).

Và Liên Hợp Cuốc (UN) cũng không phải là một tổ chức gì đáng tin cậy cả nhé! Nên quí vì đọc thì đọc, nhưng cũng cần có sự suy tư riêng. Chứ cái gì cũng vửa nghe "Dòng Chính" nói cái là tin ngay thì mớ tàu hũ bên trong cái gáo dừa tồn tại thật là lãng phí.

= = = = =

UN - Liên Hợp Cuốc 

Năm 1848:

Phụ nữ bị cấm phát biểu tại một hội nghị chống chế độ nô lệ.

Phẫn nộ.

Hai người Mỹ là Elizabeth Cady Stanton và Lucretia Mott đã tập hợp hàng trăm người tại hội nghị toàn quốc đầu tiên về quyền phụ nữ. Hội nghị tổ chức ở New York. Họ cùng nhau đòi hỏi các quyền tự do dân sự, xã hội, chính trị và tôn giáo cho phụ nữ trong tuyên bố có tên là "Declaration of Sentiments and Resolutions". Đó là ngày khai sinh ra phong trào phụ nữ.

Năm 1909:

Ngày Quốc tế Phụ nữ đầu tiên được ghi nhận tại Mỹ (United States) là ngày 28 tháng 2. Đảng Xã Hội chọn ngày này để vinh danh cuộc đình công của công nhân may mặc năm 1908 ở New York. Phụ nữ đã đình công để phản đối điều kiện làm việc quá tồi tệ.

Năm 1910:

Hội nghị Quốc Tế Xã Hội Chủ Nghĩa họp tại Copenhagen, Đan Mạch (Denmark). Hội nghị đã thành lập Ngày Phụ Nữ mang tính chất quốc tế để tôn vinh phong trào nữ quyền và xây dựng sự hỗ trợ để đạt được quyền bầu cử phổ thông cho phụ nữ.

Năm 1911:

Mỹ và một số nước Âu Châu kỷ niệm ngày Quốc Tế Phụ Nữ vào ngày 19 Tháng Ba (19th March). Họ chọn ngày đó để kỷ niệm cuộc cách mạng phụ nữ năm 1848 và "Công Xã Paris" (Commune de Paris).

Ngoài quyền bầu cử và giữ chức vụ công, họ còn yêu cầu quyền làm việc, đào tạo nghề của phụ nữ và chấm dứt phân biệt đối xử trong công việc.

Năm 1913:

Năm này hội phụ nữ người Nga rất có quyền lực.

Để phản đối Chiến tranh Thế giới thứ nhất, là một phần của phong trào hòa bình, phụ nữ Nga đã tổ chức Ngày Quốc Tế Phụ Nữ đầu tiên ở Nga vào Chủ Nhật cuối cùng của Tháng Hai (theo lịch của Nga).

Những năm sau đó, những nơi khác ở Châu Âu, phụ nữ tổ chức các cuộc biểu tình để phản đối chiến tranh hoặc bày tỏ tình đoàn kết với các nhà hoạt động khác vào khoảng ngày 8 Tháng Ba.

Năm 1915:

Sự căng thẳng nuôi dưỡng bấy lâu và leo thang lên đến đỉnh điểm vào ngày 28 Tháng Sáu năm 1914, và Serbia tuyên chiến vào ngày 28 Tháng Bảy năm 1914 - Thế chiến thứ nhất bùng nổ.

Mệt mỏi vì sự hung hăng của bọn đàn ông, gây ra chiến tranh thế giới thứ nhất, một cuộc tụ tập đông đảo phụ nữ được tổ chức tại La Hay, Hà Lan (Den Haag (tiếng Hà Lan), The Hague (English), La Haye (Française)) vào ngày 15 Tháng Tư năm 1915. Những người tham gia bao gồm hơn 1.300 phụ nữ từ hơn 12 quốc gia. Họ phản chiến. Phản chiến vô hiệu.

Năm 1917:

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất vẫn đang tiếp diễn.

Phụ nữ ở Nga lại chọn biểu tình và đình công vì "Bánh mì và hòa bình" ("Bread and Peace") vào Chủ Nhật cuối cùng của tháng 2 (theo lịch Nga).

Bốn ngày sau, Sa Hoàng Czar thoái vị và chính phủ lâm thời trao quyền bầu cử cho phụ nữ Nga.

Ngày Chúa Nhật cuối cùng của Tháng Hai năm 1917 theo lịch Nga là ngày 8 Tháng Ba Tây Lịch. 

Sau Thế Chiến 2 (Sau 1945):

Một số nước bắt đầu kỷ niệm ngày 8 Tháng Ba.

Năm 1975:

Năm 1975 là năm Phụ Nữ Quốc Tế.

Liên Hợp Cuốc (UN) cũng bắt đầu kỷ niệm ngày 8 Tháng Ba.

Năm 1977:

Đại Hội Đồng LHQ cũng thông qua một nghị quyết tuyên bố rằng: Ngày Liên Hợp Cuốc cho Nữ Quyền và Hòa Bình Quốc Tế (United Nations Day for Women's Rights and International Peace) được các quốc gia thành viên tổ chức vào ngày nào cũng được phù hợp với lịch sử và truyền thống mỗi nước.

Theo đó, không hiểu sao Nước Nam không chọn ngày 6 Tháng Hai Âm Lịch?

Năm 1995:

Cái gọi là Tuyên Bố và Cương Lĩnh Bắc Kinh cho Hành Động (Beijing Declaration and Platform for Action) đã đạt được thỏa thuận.

Kinh không? Bắc Kinh trở thành mẫu mực của Nữ Quyền mới ghê!

Thỏa thuận này có 12 lãnh vực quan trọng. Và mục tiêu số 5 là “Giành được bình đẳng giới và trao quyền cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái”.

= = = = =

Tôi được sanh ra năm 1974. Từ đó đến nay, tôi chưa quan sát được sự "mất bình đẳng giới" nhiều lắm. Tôi tự mình thấy Phụ Nữ có mọi quyền mà tạo hóa ban cho. Khi tôi vào đại học năm 1990, tôi phát hiện cái "mất bình đẳng" đầu tiên: Phụ nữ không được học ngành mà tôi học - ngành học để làm việc trên tàu biển. Tôi còn nhớ lang máng là hồi đó trong quyển hướng dẫn đăng ký thi đại học họ có ghi chú "ngành đi biển, không tuyển nữ". Đó duy nhất cái đó là tôi thấy "mất bình đẳng".



Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2024

Quốc gia NAVAJO trong lòng United States

Người dân NAVAJO ở Mỹ có số dân khoảng chưa đến 300 ngàn người.

Quốc gia NAVAJO khá là rộng nằm trải qua 3 nước Arizona, nước Utah và nước New Mexico.

Một số phần đất của quốc gia này không dính liền với nhau.



Người NAVAJO không nói tiếng Mỹ, họ vẫn dùng thứ tiếng riêng của họ.

Chính phủ NAVAJO theo cơ chế tam quyền phân lập: Hành Pháp, Lập Pháp, Tư Pháp.

Tổng thống đương nhiệm được bầu vào tháng 11 năm 2022 là ông tiến sĩ Buu Van Nygren, một người lai - mẹ là người NAVAJO, cha là người Miền Nam Việt Nam. Tiến sĩ Buu Van Nygren bắt đầu công việc tổng thống từ tháng 1 năm 2023.

 

Đọc thêm về quốc gia Navajo ở đây Home (navajo-nsn.gov)

Thứ Sáu, 2 tháng 6, 2023

Tăng Căn Tuấn Hổ - TÍNH CÁCH NGƯỜI VIỆT 150 NĂM TRƯỚC DƯỚI CON MẮT CỦA MỘT SAMURAI NHẬT BẢN

TÍNH CÁCH NGƯỜI VIỆT 150 NĂM TRƯỚC DƯỚI CON MẮT CỦA MỘT SAMURAI NHẬT BẢN

Sone Toshitora 曾根 俊虎/ Tăng Căn Tuấn Hổ (1847-1910), một võ sĩ thời Bakumatsu (幕末/ Mạc mạt), Đại úy Hải quân Nhật Bản, được coi là nhân vật quan trọng nhất của thuyết Liên Á trong lịch sử cận đại Nhật Bản và là một trong những người sáng lập Hưng Á hội. Sone Toshitora từng là học trò của Watanabe Hiromoto (1848-1901), Fukuzawa Yukichi (1835-1901) và Yoshida Kensuke (1838-1893).
Sone Toshitora viết cuốn sách Pháp Việt giao binh ký, 法越交兵紀 bàng chữ Hán, được học giả Phan Khôi trích dịch đăng trên tạp chí Sông Hương, Huế, năm 1937. Để cung cấp thêm tư liệu cho chuổi thảo luận về CĂN TÍNH VIỆT tai CAPHE THỨ 7, Mỗ đăng dưới đây đoạn nói về tính cách người Việt , các bạn cho ý kiến nhé:

“Người An Nam không thiếu người có tài có trí. Họ có tánh giỏi nhớ, tuy chưa thể vào sâu trong mọi sự, chứ được cái học mau biết. Người Pháp đến An Nam mới mười năm nay mà người An Nam học tiếng Pháp cũng đã đủ dùng, nói chuyện thường không đến nỗi ngập ngợ; vả lại viết bằng chữ Pháp cũng được nữa.
Họ không phải là không dũng khí. Nếu cai trị có phương pháp, lấy pháp luật mà chỉnh tề, lấy đạo nghĩa mà cố kết thì sự dũng cảm của người An Nam được việc lắm, sẽ không có người nước nào ở Đông phương này bằng họ được. Nay vì sự cai trị lỗi phương, trên dưới không noi đường chính, cho nên lòng người tàn bạo và khinh bạc thật hết chỗ nói. Coi như giữa chỗ pháp trường, người An Nam đến coi tuy thấy sự thảm khốc trước mắt mà họ vẫn đứng hút thuốc tự nhiên, không hề có vẻ thương xót. Như thế là vô tình quá lắm, chứ có phải dũng gì đâu!
Người An Nam ưa giữ theo tục cũ những mấy trăm năm về trước. Sự ấy đã thành ra thói quen, không sao chữa được. Nhưng có một điều đáng quý là biết kính người trên và giữ pháp luật. Từ khi có giao thiệp với người Pháp, họ dần dần bỏ mất cái tính vâng lời ngoan ngoãn ấy đi mà lại cho mình như thế là khai minh tiến bộ thì thật đáng tiếc. Tuy vậy, những người Pháp ở An Nam lại còn ngang ngạnh quá người bản xứ nữa, người An Nam có thế nào cũng còn là hơn họ. Đối với người Pháp, người An Nam tuy có vâng lời cũng chỉ bề ngoài thôi, chứ thật ra thì ai nấy đều “dạ trước mặt, trỏ cặc sau lưng” vậy”.
“Coi bề ngoài thì người An Nam trong các xứ đều không khác nhau lắm. Nhưng xét kỹ mới thấy tài trí và dũng lực của người Nam Kỳ thật thua xa người Bắc Kỳ. Người Nam Kỳ gặp cảnh nghèo không chịu nổi, mà đến lúc giàu cũng không biết giữ cho bền. Người nước họ hạng trung bình, không giàu mà cũng không nghèo, thì cai trị không khó mấy. Đến những kẻ siêng ăn nhác làm, ham chơi bời quá chẳng may sa sẩy, hễ mất chỗ sinh nhai là hóa ra ăn trộm. Lại có kẻ nhờ thời may làm nên phú quý thì hay khoe khoang kiêu ngạo, làm phách với người dưới mà lờn mặt với người trên. Cho nên người ta hay nói: “Người An Nam không biết xử cảnh nghèo mà cũng không biết xử cảnh giàu”. Tóm lại, những sự ấy đều bởi tại giáo hóa chưa đến nơi.”
“Người bản xứ hay đổi nghề. Có thể bảo họ là “vô hằng tâm (không bền bỉ, kiên trì.) . Người nào thấy một việc gì trúng ý mình thì nôn nả làm liền, lúc đầu dù có nhọc nhằn mấy cũng ráng chịu. Đến vài tháng hoặc vài năm, đã thấy lộ vẻ biếng trễ rồi, rốt cuộc công việc phải bỏ dở. Khi bỏ rồi, thấy không có nghề làm, lại muốn trở lại nghề cũ. Cái thói ấy, người Pháp muốn trừ đi cho họ, nhưng vì mới đến ở, chưa có thể được.
Phụ nữ An Nam có tài gánh gồng buôn bán ở các nơi phố chợ. Còn chồng họ thì ở nhà uống rượu nói chuyện với bạn bè hàng xóm, ngồi không mà hưởng của vợ làm ra. Cái thói ấy cho đến ngày nay thỉnh thoảng vẫn còn. Trẻ con mất dạy. Chúng nó cũng có học, nhưng chỉ học qua loa những sách dễ dễ của người Tàu. Người lớn không biết cách chỉ bảo trẻ con. Chúng có lỗi cũng không hay răn phạt. Bởi vậy trẻ con đều hung tánh, đến lúc lớn cha mẹ đối với chúng cũng chịu phép.
Con gái 14 tuổi trở lên, đã cho đi chợ bán hàng, ra chỗ đông người, rộn tai choáng mắt, sinh ra lắm điều tệ, thế mà cha mẹ cũng chẳng cấm ngăn, để muốn làm gì thì làm…
Người An Nam không có ý nỗ lực tấn tới, mà lại còn không biết biện biệt sự lợi hay hại, nên hay hư. Việc buôn bán trong nước, họ đều phó cho người Tàu, không ngó ngàng đến. Người Tàu ở đó hay rủ nhau hùn vốn lập công ty để buôn. Buôn có lời, họ lại chia ra và lập thêm công ty khác. Còn người bản xứ thì sẵn tánh khinh bạc, hay nghi ngờ nhau, chống báng nhau, không lập công ty được; cho nên mối lợi trong nước đành phải để cho người Tàu tóm thâu. Người trong nước ưa lấy sự trá ngụy để lừa dối nhau, không ai tin ai được cả. Rất đỗi bà con quen thuộc cũng không có thể tin cậy nhau được. Đây thử cử ra một sổ vay nợ để làm chứng: Người cho vay đặt ra quy điều để ngừa giữ rất nghiêm nhặt, nhưng thường không khỏi bị gạt. Vì họ cho vay ăn lời nặng quá, có khi số lời gấp đôi số vốn, thì dễ gì mà trả được? Té ra sự gạt nợ cũng tại chủ cho vay tự mình chuốc lấy”.


Thứ Ba, 27 tháng 12, 2022

Võ Hữu Nhậm - Đất Nam Kỳ - Bột Ngọt là tiếng Việt - Mì Chính là tiếng Tàu Chệt


Chữ "bột ngọt" là tiếng thuần Việt, chữ "mì chính" là tiếng Tàu rặc chớ đừng nói tới tiếng Hán-Việt.

Trong hình là một graphic quảng cáo bột ngọt Vị Hương Tố ở miền Nam trước năm 1975. 

Để ý chữ bự in đậm là chữ “Vị Hương Tố viết bằng Hán tự, ở dưới là bốn chữ “Đặc cấp vị tinh (特級味精)” tức “Bột ngọt cao cấp”. “Vị tinh” là phiên âm Hán Việt của chữ 味精, tức bột ngọt.

Trước đây, ở ngoài bắc không có bột ngọt mà gia vị chánh của xứ này là muối và mắm tôm. 

Khoảng thời gian sau 1957, khi Trung Quốc đem người qua (gồm quân nhơn, kỹ sư, công nhơn,…) để giúp đỡ bắc việt trong thời kỳ “kháng chiến chống người Nam”, những người Hoa này đem theo thứ gia vị mới là bột ngọt qua, và cũng chính người TQ xây cho người bắc một nhà máy bột ngọt ở Việt Trì.

Do không có khái niệm gì về loại gia vị này, nên người Tàu đọc sao thì người bắc đọc theo vậy, hai chữ “mì chính” là cách đọc của 味精 trong tiếng Quảng Đông.  

Sau khi bột ngọt xuất hiện ở miền bắc, người dân như được khai sáng sau hàng ngàn năm nêm muối và mắm tôm. Vậy là món nào nêm bột ngọt được cứ nêm. Bột ngọt loại tinh chất thời đó được coi như một loại gia vị cao cấp, vậy nên người bắc thời trước hay có câu “Hiếm như mì chính cánh”. Do không có gia sú.c, gia cầm để nấu nên người bắc nhanh chóng yêu thích bột ngọt, tập tục đó kéo dài cho tới ngày hôm nay.

Tóm lại chữ “bột ngọt” là một chữ thuần Việt, chữ Hán Việt là “vị tinh”, còn âm tiếng Tàu (Quảng Đông) là “mì chính”. 

Nguồn: Đất Nam Kỳ. Võ Hữu Nhậm


Người Nhật có thứ tương đương là A-ji-no-mo-to cũng có vẻ tương đồng với cái hình ở trên.



Thứ Năm, 25 tháng 8, 2022

Nguyễn Khoa - SỰ SUY TÀN CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

SỰ SUY TÀN CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM 

Nguyễn Khoa, 25 tháng Tám 2022

Không có gì chứng minh rõ hơn sự suy thoái của Phật giáo Việt Nam bằng những ầm ỷ, lộn xộn xung quanh nhà sư Thích Trúc Thái Minh (có tin đồn ông là sĩ quan công an), trụ trì chùa Ba Vàng tại Quảng Ninh: việc ông tổ chức “cúng dường hoành tráng” theo nghi thức Phật giáo nguyên thủy, việc ông bị Giáo hội Phật giáo Việt Nam kỷ luật trước đó, việc ông được (bị) điều về Quảng Bình, việc lời qua tiếng lại giữa nhà sư Thái Minh và một nhà sư khác là Thích Nhật Từ, việc các cơ quan công quyền Quảng Bình, Quảng Ninh,… dính líu tới phật sự,...

 Những tin tức mới nhất này dù ồn ào nhưng không làm ngạc nhiên những ai có quan tâm tới Phật giáo Việt Nam trong mấy chục năm qua.

 Phật giáo Việt Nam đang trên con đường tự sát. Một sự tự sát ngọt ngào trong những ngôi chùa hoành tráng như Ba Vàng, Bái Đính,… giữa những tượng Phật vĩ đại dựng lên khắp mọi miền đất nước, giữa hàng tỷ đồng cúng dường từ dân chúng.

 Thủ phạm trực tiếp của sự tự sát này, dĩ nhiên là từ sự can thiệp thô bạo của bộ máy toàn trị trên cả nước từ mấy chục năm nay, nhưng theo quan điểm của tôi, sự suy vong của Phật giáo Việt Nam, cũng như sự suy sụp của văn hóa Việt Nam, có nguyên nhân nội tại, lịch sử, chứ không hoàn toàn là do chế độ cộng sản. Chế độ cộng sản chỉ đóng vai trò là chất kích thích cho sự tàn tạ ấy. Sự tồn tại của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam, với sự phá phách văn hóa của nó, phải được đặt câu hỏi là tại sao nó lại tồn tại và có thể phá phách như thế? Phải chăng là do dân tộc này có những điều kiện để “cúng dường” nó!

 Lịch sử vinh quang và bi thương

 Phật giáo đã từng hưng thịnh ở Việt Nam gần 400 năm với hai triều đại Lý, Trần vùng châu thổ sông Hồng, và triều đại Indrapura vùng Quảng Nam. Những điều tốt đẹp của văn hóa Việt Nam hiện nay, có thể nói không ngoa, chính là những gì bắt nguồn từ những thời đại ấy, sống còn qua năm tháng. Các thiền sư người Việt, các nhà sư người Chàm, góp phần không nhỏ trong việc giữ nền độc lập quốc gia trước sự bành trướng của đế quốc Mông Cổ thế kỷ 13.

 Văn hóa Lý Trần bị nhà Minh Trung Quốc tàn phá. Văn hóa Indrapura bị chính Đại Việt đời Lê tàn phá.

 Câu hỏi đặt ra là tại sao Phật giáo Việt Nam không hồi phục được sau khi Lê Lợi khôi phục quyền tự chủ?

Rất khó để tìm nguyên nhân của một biến cố lịch sử văn hóa như thế mấy trăm năm trước.

Tôi xin đề ra hai nguyên nhân, thứ nhất là sức mạnh tàn bạo của Khổng giáo Trung Hoa, mà đại diện của nó là nhà Minh với cuộc xâm lăng, và sự hủy diệt văn hóa Phật giáo Đại Việt. Thứ hai là sự huy hoàng thời Lý Trần của Phật giáo Đại Việt đã làm hại chính nó, một khi quyền lực của giới tăng lữ Phật giáo tăng lên quá lớn. Đây là điều đáng tiếc, vì Phật giáo vốn không phải là một tôn giáo có cấu trúc tôn ti trật tự như những tôn giáo lớn khác trên thế giới, nhưng một khi đã hình thành một tầng lớp giáo phẩm, thì tai ương tiềm tàng cũng hình thành một cách song song.

Sự tàn tạ của phái Mật tông tại Tây Tạng cũng có nguyên nhân tương tự. Quyền uy tột bực của các nhà sư Miến Điện đã làm cho họ đạp đổ tất cả những gì là từ bi hỷ xả của Phật giáo, nhúng tay vào cuộc diệt chủng đồng loại người Rohyngia.

Triều đại Hậu Lê của Đại Việt không còn coi trọng Phật giáo nữa. Nhưng Phật giáo vẫn sống còn, lay lắt trong hàng thế kỷ. Hàng thế kỷ ấy để lại cho chúng ta không ít di tích văn hóa Phật giáo sống động như chùa Tây Phương, nhưng cũng để lại những bài thơ của nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương:

Nào nón tu lờ nào mũ thâm

Đi đâu chẳng đội để ong châm

Đầu sư há phải gì… bà cốt

Bá ngọ con ong bé cái lầm

hay là

Cái kiếp tu hành nặng đá đeo

Làm chi một chút tẻo tèo teo

Thuyền từ cũng muốn về Tây Trúc

Trái gió cho nên phải lộn lèo

Có lẽ không có điều gì làm cho những hành giả theo chân đức Thích Ca đau đớn hơn những bài thơ này.

Đến đời Nguyễn, Phật giáo được phục hồi, nhưng lợi bất cập hại. Những nhà sư lại được các ông vua khổng giáo của triều đại này dời vào cung cấm. Lại là quyền lực, lại là sủng ái.

Diện mạo tinh thần của Phật giáo Việt Nam hiện nay có lẽ là mang hình bóng rất rõ của triều đại nhà Nguyễn, mà nổi bật nhất là môn phái Tịnh Độ (Pure Land) phát triển lấn át hẳn các phái khác. Thiền tông vốn rất mạnh mẽ thời Lý Trần, nay hầu như vắng bóng. Có thể sự phát triển của Tịnh Độ, với nhiều thủ tục cúng kiến, chuông mõ, tụng niệm,… là phù hợp với trật tự khổng giáo, đồng thời bỏ qua phần lý tính vốn có của triết học Phật giáo, mà đi vào niềm tin, điều mà nhà cầm quyền cần, và công chúng bình dân cũng cần.

Cố gắng chấn hưng dang dở

Giai đoạn thuộc địa Pháp, một cách trớ trêu lại làm tỉnh thức Phật giáo Việt Nam, mà điển hình là phong trào chấn hưng Phật giáo do bác sĩ Lê Đình Thám, một người tây học, dấy lên ở miền Trung. Tinh thần lý tính phương Tây đánh thức các phật tử Việt Nam, rằng họ vẫn còn sở hữu một di sản văn hóa, tinh thần, tâm linh, và triết học rất sâu sắc.

Có thể nói rằng nếu không có bác sĩ Lê Đình Thám và phong trào của ông, thì Việt Nam khó mà có được các gương mặt Phật giáo lớn đương đại, như Thích Nhất Hạnh, Thích Trí Quang, Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang, Tuệ Sỹ, Thích Minh Châu, Thích Thiện Châu,… trong đó thiền sư Thích Nhất Hạnh là một trong những nhà sư Phật giáo lớn của thế giới.

Sức sống mãnh liệt được hồi phục của Phật giáo Việt Nam được thấy rõ nhất trong phong trào Phật giáo tại miền Nam Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam.

 Sự hồi phục của Phật giáo Việt Nam chấm dứt với chiến thắng của những người cộng sản vào ngày 30/4/1975.

 Thiền sư Trí Quang bị giam lõng, các vị Huyền Quang, Quảng Độ bị vào tù ra khám, nặng nề nhất là thiền sư Tuệ Sỹ suýt bị chế độ cộng sản xử tử hình.

 Phật giáo và cộng sản

 Bối cảnh lịch sử Việt Nam từ khi có đảng cộng sản xuất hiện tới nay, trong sự tuyên truyền để giành phần tình cảm dân tộc về phía họ, làm cho người ta dễ nhầm tưởng là cộng sản là cùng một “giuộc” với Phật giáo, và chống Công giáo. Sự thực thì chủ nghĩa cộng sản với hệ thống triết học của nó, xa Phật giáo hơn Công giáo, vì vốn nó ra đời trong truyền thống Ki Tô Do Thái của phương Tây.

Nhưng đó là một vấn đề khác, không bàn ở đây.

 Với quan điểm tự nhận mình là vô thần, và mô hình toàn trị, những người cộng sản không bao giờ muốn những loại triết học, tư tưởng, tâm linh,… ngoài cộng sản, cùng tồn tại với mình. Nỗ lực của họ đối với Công giáo không thành công bao nhiêu vì tôn giáo này có cấu trúc chặt chẽ và được một thế giới phương Tây đứng đằng sau. Những người cộng sản Việt Nam, vào thời điểm hoang ca nhất của họ, cũng không xâm nhập được vào nhà thờ Công giáo.

 Ngược lại, đối với Phật giáo, lợi dụng cấu trúc lõng lẻo của các tổ chức Phật giáo, cũng như sự thu phục tình cảm dân tộc trong hai cuộc chiến tranh, chiến tranh chống Pháp và chiến tranh chống Mỹ, đảng cộng sản dễ dàng thao túng Phật giáo Việt Nam. Hơn nữa như đã đề cập ở phần trên, sau một thời gian suy tàn, chỉ còn hình thức giáo phái Tịnh Độ là đa số, với nhiều hình thức lễ bái, cầu khấn, giải hạn, cầu siêu,...Phật giáo Việt Nam dễ dàng bị lợi dụng như là một công cụ “thuốc phiện của nhân dân” (câu của Karl Marx, lập lại quan điểm của Hegel khi bàn về tôn giáo).

Sau kinh nghiệm cứng rắn đốt chùa, đập tượng, đả thực bài phong, trên miền bắc xã hội chủ nghĩa sau năm 1954, cũng như đàn áp mạnh mẽ chùa chiền tại miền Nam sau năm 1975, Đảng Cộng sản Việt Nam, phát hiện rằng họ có sẵn trong tay món thuốc phiện rất hữu hiệu. Họ bắt đầu dung túng tầng lớp sư sãi nhũng lạm, đưa cho họ quyền lực. Đôi bên cùng có lợi.

Kết quả bây giờ chính là chùa Ba Vàng, chùa Bái Đính, Thích Nhật Từ, Thích Chân Quang (có lời đồn ông này là họ hàng xa xôi với cố chủ tịch Hồ Chí Minh ?!), và dĩ nhiên Thích Trúc Thái Minh.

Trong kết quả kiểm tra dân số gần đây nhất, số người Việt Nam tự nhận mình là tín đồ Ki Tô (Công giáo, Tin Lành), đã vượt qua số người tự nhận mình là phật tử. Dĩ nhiên ta nên nhìn con số này một cách tương đối, vì số người Việt không đi chùa, nhưng chịu ảnh hưởng các ý thức Phật giáo khá đông, những người này có thể không nhận mình là phật tử. Bên cạnh đó việc kê khai nhân khẩu, làm chứng minh nhân dân, khai lý lịch,… trong một thời gian dài làm cho người ta sợ hãi khi khai mục tôn giáo, nhiều phật tử cứ đánh vào ô: dân tộc kinh, tôn giáo không cho nó an toàn. Dù sao đó cũng là một thắng lợi của những người cộng sản đối với Phật giáo.

Nhưng hữu hiệu nhất vẫn là dùng chính Phật giáo để diệt Phật giáo, với sự nhũng lạm của khá đông sư sãi nhà nước. Một hệ thống toàn trị Phật giáo, phó sản của hệ thống toàn trị cộng sản được hình thành, và đang nắm tinh thần cũng như túi tiền của hàng chục triệu người Việt Nam.

Phật giáo hải ngoại

Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại cũng không lấy gì làm sáng sủa.

Trên mảnh đất tự do ngôn luận và tự do tôn giáo, nhiều nhà sư Việt Nam tại Mỹ ủng hộ nhiệt tình cựu tổng thống Mỹ Donald Trump, kẻ phản dân chủ bậc nhất trong lịch sử nước Mỹ. Có những nhà sư cũng rất tích cực chia sẻ thuyết âm mưu Qnon rất quái dị, tin vịt thượng vàng hạ cám của tờ Đại Kỷ Nguyên, của nhóm Pháp Luân Công, một phó sản của sự tàn tạ của Phật giáo Trung Hoa.

Tượng Phật lớn, cúng kiến linh đình, không phải là độc quyền của các chùa trong nước. Lớp công chúng phật tử Việt Nam tại hải ngoại hiện nay cũng như đồng bào họ trong nước, rất ưa chuộng lễ bái cúng kiến theo pháp môn Tịnh Độ. Việc này làm cho lớp người Việt trẻ tuổi sinh ra và lớn lên ở Mỹ, với tinh thần duy lý và cấp tiến, cảm thấy xa lạ. Nếu tình trạng này vẫn tiếp tục, thì hàng hà sa số chùa chiền Việt Nam tại Mỹ hiện nay rơi vào tình trạng phá sản, là một tương lai không xa.

 Không cần kể ra đây hàng chục vụ tranh giành nhà cửa, tài sản, có liên quan đến những ngôi chùa Việt Nam tại Mỹ, đến các nhà sư, đến mức phải ra tòa.

 Tình trạng toàn trị Phật giáo trong nước cộng với thể chế tự do tôn giáo tại Mỹ còn dẫn đến một việc dở khóc dở cười nữa là có hàng trăm, hàng ngàn tu sĩ Phật giáo Việt Nam xuất cảnh sang Mỹ theo diện … tôn giáo. Theo những nguồn tin đáng tin cậy thì không bao nhiêu tu sĩ trong số này thực sự là tu hành, mà họ chỉ lợi dụng chiếc áo nâu sòng… để đi Mỹ. Sang Mỹ rồi thì nhẹ nhàng là rủ tín đồ lập chùa riêng, hay thậm chí là trái gió nên phải lộn lèo như nữ thi sĩ Hồ Xuân Hương mỉa mai hơn 200 năm trước.

Một nhà sư Việt Nam sống tại Mỹ có tâm sự với tôi rằng ông hồ nghi có một âm mưu tàn phá Phật giáo Việt Nam từ hàng chục năm qua.

Tôi nghĩ rằng ông lo lắng thái quá. Dĩ nhiên kế hoạch kềm chế Phật giáo của những người cộng sản thì đã rõ, mà họ cũng đâu có giấu diếm điều đó qua những tuyên bố mang tính vô thần, duy vật biện chứng (sic) của họ! Chẳng phải thế giới theo quan điểm Phật giáo là vô thủy vô chung, theo chu kỳ sinh, trụ, dị, diệt hay sao?

Tôi vẫn lạc quan về sự tái sinh, bắt đầu chu kỳ mới của Phật giáo Việt Nam.


Triệu Quốc Thước - Thiên Đường Đông Lào bị kẹt giữa các “tiêu chuẩn kép”

Thiên Đường Đông Lào bị kẹt giữa các “tiêu chuẩn kép”

Triệu Quốc Thước, 25 tháng Tám 2022

Chừng nào cuộc chiến còn tiếp diễn, Việt Nam càng bị lún sâu vào các “tiêu chuẩn kép” mà rồi đây, Hà Nội chưa biết sẽ “trang trải” với Kyiv như thế nào cho phải đạo. Trên mạng xã hội, Facebooker Lê Xuân Nghĩa không hiểu nổi một bộ phận lớn người Việt nhân danh điều gì để xúc phạm dân tộc và đất nước Ukraine đang phải vật lộn với cuộc chiến vệ quốc? Ông Lê Xuân Nghĩa đặt câu hỏi: Tại sao Việt Nam thì “chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, nhưng lại đòi Ukraine nên đầu hàng Nga sớm và nên theo Nga để “người dân đỡ phải chết chóc”? Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà được phép rời Thủ đô để đi kháng chiến, nhằm bảo toàn lực lượng. Ukraine thì không có quyền ấy. Chưa đi tản cư đã bị phê là “hèn nhát”? (6)


Nhưng có lẽ thất thố lớn nhất là Thiếu tướng, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược từ Bộ Công An Lê Văn Cương đã đăng đàn diễn thuyết về các sự kiện liên quan đến cuộc chiến Ukraine. Chất lượng dự đoán của ông “gây nổ lớn” trên các trang mạng. Ngày 17/02/2022, trả lời báo Dân Việt, Thiếu tướng Cương cho biết, ông ủng hộ và tin rằng, Tổng thống Putin sẽ không động binh với Ukraine. Trên thực tế 7 ngày sau, sáng ngày 24/02, Nga tấn công Ukraine mà không hề tuyên chiến. Chưa hết, trả lời báo Nghệ An, ông Cương còn lên tiếng rằng, Nga sẽ không xâm lược và không cướp đất của Ukraine, Nga sẽ không sa lầy sâu vào cuộc chiến, quân Nga sẽ thắng nhanh và kết thúc chiến tranh cuối tháng 3, thực chất, Nga đã phải rút lui khỏi Kiev và cuộc chiến vẫn khốc liệt trong những ngày này. (7)


Phản cảm nhất là khi tướng Cương lên án Tổng thống Ukraine Zelensky mắc các trọng tội. “Người đứng đầu quốc gia mà mắc 3 trọng tội như vậy thì không thể tồn tại được”, tướng Cương đánh giá tiếp, Zelensky là “thằng hề 43 tuổi” thì “làm sao đọ được với nguyên sĩ quan KGB Putin 70 tuổi” (?!). Lượng Phạm Văn tung ngay một cái “tuýt”: Tôi không nghĩ Tổng thống Ucraine Zelensky là “một thằng hề”. Ông ấy là Tổng thống của một quốc gia... Tôi kính trọng ông ấy bởi lòng dũng cảm, không rời khỏi đất nước, để chiến đấu chống lại quân xâm lược!” (8)


Đạo lý gì đây hả trời? Các tướng nói không ngượng hay sao ấy? Khi một đất nước mà một bộ phận dân tình và các bậc tự nhận là “có tiếng nói định hướng dư luận” (KOL) mà lại tráo trở, xảo ngôn, chà đạp lên chân lý và lẽ phải, đất nước đó khó mà nhận được sự tôn trọng của thế giới. Có ai trả lời được câu hỏi trên đây? Đó là kết quả của giáo dục, tuyên truyền một chiều làm cho trí não bị tê liệt, nhìn một chiều mãi rồi quen, mất đi khả năng lật ngược vấn đề xem xét cho kỹ để nhận thức đúng đắn sự vật? Tự huyễn hoặc, bị lừa gạt mà vẫn tiếp tục sai lầm... Ban đầu chỉ một số ít tin vào tuyên truyền, nhưng rồi bị nhồi sọ lâu ngày, mất niềm tin và hùa theo tâm lý đám đông. (9)


Tình hình tồi tệ đến mức, một vài tờ báo chính thống trong nước đã buộc phải đính chính lại các loại tướng như Lê Văn Cương, Lê Thế Mậu…  Cho dù sau đó, những bài này đã bị “delete”. Tờ “Người Lao động” ra hôm 25/2 có bài: “Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace khẳng định Nga chưa đạt được bất kỳ mục tiêu lớn nào ở Ukraine trong ngày đầu ra quân nhưng đã tổn thất 450 binh sĩ, tính đến ngày 25/2”. Báo “Thanh niên hôm 18/3 “giật tít”: “Ukraine phản công, đà tiến của Nga bị chặn”. Đà tiến quân của Nga được cho là đình trệ trên mọi mặt trận, trong khi Ukraine bắt đầu tổ chức phản công. Chưa hết, AFP đưa tin Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 17/3 cáo buộc Nga hôm 16/3 đánh bom rạp hát ở TP.Mariupol, nơi hơn 1.000 người bao gồm trẻ em, đang ẩn náu. (10)


Có tác giả đã muốn tìm nguồn gốc của tình trạng “ tiêu chuẩn kép” do đâu mà có? Phải chăng, trong thời Chiến tranh lạnh, Việt Nam là quốc gia thuộc hệ thống XHCN, núp dưới bóng của Liên Xô và Trung Quốc. Chính vì vậy, cho tới nay, thể chế chính trị của Việt Nam cũng mang “các gen” độc tài như Nga và Trung Quốc vậy. Tuy nhiên, khác với Nga và Trung Quốc, khi quyền lực tập trung chủ yếu vào một cá nhân duy nhất, ở Nga là Tổng thống Putin và ở Trung Quốc là Chủ tịch Tập Cận Bình, Việt Nam không có nhân vật nào đủ sức mạnh nắm quyền lực tuyệt đối như Putin và Tập. Tuy nhiên, thể chế chính trị Việt Nam vẫn là độc đảng, quyền lãnh đạo tuyệt đối tất cả mọi mặt thuộc về Đảng Cộng sản. Thể chế độc tài với sự cai trị tuyệt đối đó đã bộc lộ ra nhiều căn bệnh trầm kha. Ngoài tình trạng tham nhũng từ trên xuống dưới, căn bệnh “tiêu chuẩn kép” cũng từ đấy mà ra. Chính vì có chung thể chế độc tài, cho nên Việt Nam vẫn chưa thoát ra khỏi “các bóng xám” của ông Putin cũng như của ông Tập, mặc dầu về kinh tế lại muốn “hội nhập” để hướng về Mỹ và phương Tây. (11)



Nguồn RFA: Cuộc chiến Ukraine và “tiêu chuẩn kép” của Việt Nam — Tiếng Việt (rfa.org)

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2022

Phan Châu Thành - Phương Tây Chết vì không ủng hộ Nga

 Nghị viện Châu Âu ra thông báo:

- GDP Nga giảm trên 10% 

- Sản xuất xe giảm 90%

- Hơn 1.000 cty nước ngoài rời khỏi Nga.

- 45% công nghệ cao mà Nga sử dụng thuộc về EU (chưa tính Mỹ)

Giá dầu (xăng) trên thế giới quay về mức trước khi cuộc chiến xảy ra, cho thấy ảnh hưởng của Nga lên thị trường này không đáng kể, bất chấp Nga có "cắt" hay không.

Giá khí đốt, vũ khí lớn nhất của Nga, sau khi tăng giá từ 27 lên 42 usd đã quay đầu về mức 34,35 - chỉ còn tăng 27% so với trước chiến tranh, trong bối cảnh Na Uy tuyên bố tăng sản lượng khai thác để đáp ứng nhu cầu

Đức, quốc gia sử dụng nhiều khí đốt nhất từ Nga, đã tuyên bố "có thể tự lo được" sau khi khéo dài việc sử dụng các nhà máy điện nguyên tử, khởi động lại điện than, thực hiện các chính sách khiến các doanh nghiệp cắt giảm và hạn chế dùng khí đốt mà chuyển qua dùng các nguồn năng lượng khác, khiến việc "thiếu khí đốt từ Nga sẽ không giết được nền kinh tế Đức".

Russian Gas Cuts Will Not Kill the German Economy by Daniel Gros - Project Syndicate (project-syndicate.org)

Không biết các bạn ủng hộ Nga sẽ còn dùng thêm những lý lẽ gì để "tăng khả năng thắng cho Nga": Vũ khí hạt nhân ? 100.000 lính Bắc Hàn ? - nhưng nhiều ngày trước đây mình đã nói: không cần lo cho bọn giàu đâu, tụi nó giàu mạnh được vì thực sự rất... giỏi, mà đã có thực lực thì sẽ tìm được cách vượt qua khó khăn thôi.

Tất nhiên giá cả, lạm phát sẽ tăng một vài tháng nữa, nhưng rồi sẽ được bình ổn và mọi thứ lại quay đầu, về như cũ. Hãy hiểu cách làm việc của phương Tây: không bao giờ "ngay và luôn" như lối suy nghĩ của nhiều người Việt, nhưng việc họ làm luôn đem lại kết quả cùng thời gian.

Ngay cả cách đánh nhau cũng vậy, mình rất mừng là người Ukraina đang lĩnh hội rất nhanh lối suy nghĩ phương Tây: chú trọng hiệu quả, cân nhắc kỹ cái giá phải trả, kiên nhẫn, đủ lợi mới làm - chứ không phùng phùng tẹt tẹt, to mồm nhưng dựa trên bịa đặt - nên rỗng tuếch như Nga.

Bởi kinh tế, xã hội, cuộc sống đòi hỏi suy nghĩ, nhận thức, trình độ hiểu biết... trong khi những thứ đó cần thời gian để thay đổi, hội nhập, thích nghi với điều kiện mới, mọi thứ thay đổi ào ào không đem lại những thay đổi mang tính nền tảng đâu.

Mà nền móng mới là quyết định. Thế kỷ 21 rồi, hình hạc, tiếng tăm vớ vẩn có làm ai tốt lên hay giải quyết được việc đâu ? Chỉ có suy nghĩ, hiểu biết, trình độ và thực lực. 

Mà tất cả những điều đó lại bắt đầu từ sự tử tế.