Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2021

Tác phẩm người VN nên đọc: Nguyễn Du - Đoạn trường tân thanh - 3254 câu lục bát Kiều


Truyện Kiều - Nguyễn Du (1766-1820) - Truyện Thơ Lục Bát, 3254 Câu

Truyện Kiều - Nguyễn Du (1766-1820) - Truyện Thơ Lục Bát, 3254 Câu
 
Ba trăm năm nữa nào biết được.
Thiên hạ ai người khóc Tố Như.
~ Nguyễn Du - Bài 'Đọc Tiểu Thanh Ký' ~

Nguyễn Du (1766-1820) Hiệu Là Tố Như, Thanh Hiên, 
Người Xã Tiên Điền, Huyện Nghi Xuân, Tỉnh Hà Tĩnh  


1A.   Kiều Thăm Mộ Đạm Tiên (Câu 1-244)
01 = CÂU 1 - 50
 
1.Trăm năm trong cõi người ta,
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
Trải qua một cuộc bể dâu,
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
5.Lạ gì bỉ sắc tư phong,
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
Cảo thơm lần giở trước đèn,
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.
Rằng năm Gia Tĩnh triều Minh,
10.Bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng.

 Có nhà viên ngoại họ Vương,

Gia tư nghĩ cũng thường thường bực trung.
Một trai con thứ rốt lòng,
Vương Quan là chữ, nối dòng nho gia.
15.Đầu lòng hai ả tố nga,
Thúy Kiều là chị, em là Thúy Vân.
Mai cốt cách, tuyết tinh thần,
Mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười.
Vân xem trang trọng khác vời,
20.Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang.
Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da.
Kiều càng sắc sảo, mặn mà,
So bề tài, sắc, lại là phần hơn.
25.Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
Một, hai nghiêng nước nghiêng thành,
Sắc đành đòi một, tài đành họa hai.
Thông minh vốn sẵn tư trời,
30.Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt Hồ cầm một trương.
Khúc nhà tay lựa nên chương,
Một thiên bạc mệnh, lại càng não nhân.
35.Phong lưu rất mực hồng quần,
Xuân xanh sấp xỉ tới tuần cập kê
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
Ngày xuân con én đưa thoi,
40.Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.
Cỏ non xanh tận chân trời,
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp Thanh.
45.Gần xa nô nức yến anh,
Chị em sắm sửa bộ hành chơi xuân.
Dập dìu tài tử, giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
Ngổn ngang gò đống kéo lên,
50.Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay.

1B. Kiều Thăm Mộ Đạm Tiên (Câu 1-244)
02 = CÂU 51 - 131
 
Tà tà bóng ngả về tây,
Chị em thơ thẩn dan tay ra về.
Bước dần theo ngọn tiểu khê,
Lần xem phong cảnh có bề thanh thanh.
55.Nao nao dòng nước uốn quanh,
Dịp cầu nho nhỏ cuối ghềnh bắc ngang.
Sè sè nấm đất bên đàng,
Dàu dàu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh.
Rằng: Sao trong tiết thanh minh,
60.Mà đây hương khói vắng tanh thế mà?
Vương Quan mới dẫn gần xa:
Đạm Tiên nàng ấy xưa là ca nhi.
Nổi danh tài sắc một thì,
Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh.
65.Kiếp hồng nhan có mong manh,
Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương.
Có người khách ở viễn phương,
Xa nghe cũng nức tiếng nàng tìm chơi.
Thuyền tình vừa ghé tới nơi,
70.Thì đà trâm gẫy bình rơi bao giờ.
Buồng không lạnh ngắt như tờ,
Dấu xe ngựa đã rêu lờ mờ xanh.
Khóc than khôn xiết sự tình,
Khéo vô duyên ấy là mình với ta.
75.Đã không duyên trước chăng mà,
Thì chi chút ước gọi là duyên sau.
Sắm xanh nếp tử xe châu,
Vùi nông một nấm mặc dầu cỏ hoa.
Trải bao thỏ lặn ác tà,
80.Ấy mồ vô chủ, ai mà viếng thăm!
Lòng đâu sẵn mối thương tâm,
Thoắt nghe Kiều đã đầm đầm châu sa.
Đau đớn thay phận đàn bà!
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
85.Phũ phàng chi bấy hoá công,
Ngày xanh mòn mỏi má hồng phôi pha.
Sống làm vợ khắp người ta,
Khéo thay thác xuống làm ma không chồng.
Nào người phượng chạ loan chung,
90.Nào người tích lục tham hồng là ai?
Đã không kẻ đoái người hoài,
Sẵn đây ta kiếm một vài nén hương.
Gọi là gặp gỡ giữa đường,
Họa là người dưới suối vàng biết cho.
95.Lầm rầm khấn khứa nhỏ to,
Sụp ngồi vài gật trước mồ bước ra.
Một vùng cỏ áy bóng tà,
Gió hiu hiu thổi một vài bông lau.
Rút trâm sẵn giắt mái đầu,
100.Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần.
Lại càng mê mẩn tâm thần
Lại càng đứng lặng tần ngần chẳng ra.
Lại càng ủ dột nét hoa,
Sầu tuôn đứt nối, châu sa vắn dài.
105.Vân rằng: Chị cũng nực cười,
Khéo dư nước mắt khóc người đời xưa.
Rằng: Hồng nhan tự thuở xưa,
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu?
Nỗi niềm tưởng đến mà đau,
110.Thấy người nằm đó biết sau thế nào?
Quan rằng: Chị nói hay sao,
Một lời là một vận vào khó nghe.
Ở đây âm khí nặng nề,
Bóng chiều đã ngả dậm về còn xa.
115.Kiều rằng: Những đấng tài hoa,
Thác là thể phách, còn là tinh anh,
Dễ hay tình lại gặp tình,
Chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ.
Một lời nói chửa kịp thưa,
120.Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay.
Ào ào đổ lộc rung cây,
Ở trong dường có hương bay ít nhiều.
Đè chừng ngọn gió lần theo,
Dấu giày từng bước in rêu rành rành.
125.Mắt nhìn ai nấy đều kinh,
Nàng rằng: Này thực tinh thành chẳng xa.
Hữu tình ta lại gặp ta,
Chớ nề u hiển mới là chị em.
Đã lòng hiển hiện cho xem,
Tạ lòng nàng lại nối thêm vài lời.
130.Lòng thơ lai láng bồi hồi,
Gốc cây lại vạch một bài cổ thi.
 

1C.   Kiều Thăm Mộ Đạm Tiên (Câu 1-244)
03 = CÂU 132 -170
 
Dùng dằng nửa ở nửa về,
Nhạc vàng đâu đã tiếng nghe gần gần.
135.Trông chừng thấy một văn nhân,
Lỏng buông tay khấu bước lần dặm băng.
Đề huề lưng túi gió trăng,
Sau chân theo một vài thằng con con.
Tuyết in sắc ngựa câu giòn,
140.Cỏ pha màu áo nhuộm non da trời.
Nẻo xa mới tỏ mặt người,
Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình.
Hài văn lần bước dặm xanh,
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao.

Tác phẩm người VN nên đọc: Nguyễn Trãi - Bình Ngô Đại Cáo

Bản dịch của Bùi Kỷ (*)

Tượng mảng:

Vic nhân nghĩa ct yên dân; quân điếu pht (1) ch vì kh bo. Như nước Vit ta t trước, vn xưng văn hiến đã lâu. Sơn hà cương vc đã chia, phong tc bc nam cũng khác. T Đinh, Lê, Lý, Trn, gây nn độc lp; cùng Hán, Ðường, Tng, Nguyên, hùng c mỗi phương. Du cường nhược có lúc khác nhau, song hào kit đời nào cũng có. 

Vậy nên:

Lưu-Cung sợ uy mất vía, Triệu-Tiết nghe tiếng giật mình. Cửa Hàm-Tử giết tươi Toa-Đô, sông Bạch-Đằng bắt sống Ô-Mã. Xét xem cổ tích, đã có minh trưng,

Vừa rồi:

Vì họ Hồ chính sự phiền hà, để trong nước nhân dân oán hận. Quân cường Minh đã thừa cơ tứ ngược, bọn gian tà còn bán nước cầu vinh. Nướng dân đen trên ngọn lửa hung tàn, vùi con đỏ xuống dưới hầm tai vạ. Chước dối đủ muôn nghìn khoé, ác chứa ngót hai mươi năm. Bại nhân nghĩa nát cả càn khôn, nặng khóa liễm vét không sơn trạch. Nào lên rừng đào mỏ, nào xuống biển mò châu; nào hố bẫy hươu đen, nào lưới dò chim trả. Tàn hại cả côn trùng thảo mộc, nheo nhóc thay! quan quả điên liên! Kẻ há miệng, đứa nhe răng, máu mỡ bấy no nê chưa chán. Nay xây nhà, mai đắp đất, chân tay nào phục dịch cho vừa. Nặng nề về những nỗi phu phen, bắt bớ mất cả nghề canh cửi.

Ðộc ác thay! trúc rừng không ghi hết tội,

Dơ bẩn thay! nước bể khôn rửa sạch mùi,

Lẽ nào trời đất tha cho; ai bảo thần nhân nhịn được.

Ta đây:

Núi Lam-Sơn dấy nghĩa; chốn hoang dã nương mình. Ngắm non sông căm nỗi thế thù; thề  sống chết cùng quân nghịch tặc. Ðau lòng nhức óc, chốc đà mười mấy nắng mưa; nếm mật nằm gai, há phải một hai sớm tối. Quên ăn vì giận, sách lược thao suy xét đã tinh; ngẫm trước đến nay, lẽ hưng phế đắn đo càng kỹ. Những trằn trọc trong cơn mộng mị, chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi. Vừa khi cờ nghĩa dấy lên, chính lúc quân thù đang thịnh,

Lại ngặt vì:

Tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu. Việc bôn tẩu thiếu kẻ đỡ đần; nơi duy ác hiếm người bàn bạc. Ðôi phen vùng vẫy, vẫn đăm đăm con mắt dục đông; mấy thuở đợi chờ, luống đằng đẵng cỗ xe hư tả. Thế mà trông người, người càng vắng ngắt, vẫn mịt mù như kẻ vọng dương; thế mà tự ta, ta phải lo toan, thêm vội vã như khi chửng nịch. Phần thì giận hung đồ ngang dọc; phần thì lo quốc bộ khó khăn. Khi Linh-Sơn lương hết mấy tuần; Khi Khôi huyện quân không một lữ.

Có lẽ trời muốn trao ta gánh nặng, bắt trải qua bách chiết thiên ma. Cho nên ta cố gắng gan bền, chấp hết cả nhất sinh thập tử. Thế giặc mạnh, ta yếu mà ta địch nổi; quân giặc nhiều, ta ít mà ta được luôn.

Dọn hay:

Ðem đại nghĩa để thắng hung tàn; lấy chí nhân mà thay cường bạo. Trận Bồ-Đằng sấm vang sét dậy; miền Trà-Lân trúc phá tro bay. Sĩ khí đã hăng, quân thanh càng mạnh. Trần-Trí, Sơn-Thọ, mất vía chạy tan; Phương-Chính, Quý-An tìm đường trốn tránh. Ðánh Tây-Kinh phá tan thế giặc; lấy Ðông-Đô thu lại cõi xưa. Dưới Ninh-Kiều máu chảy thành sông, Bến Tụy-Động xác đầy ngoài nội. Trần-Hiệp đã thiệt mạng; Lý-Lương lại phơi thây. Vương-Thông hết cấp lo lường; Mã-Anh khôn đường cứu đỡ. Nó đã trí cùng lực kiệt, bó tay không biết tính sao; ta đây mưu phạt tâm công, chẳng đánh mà người chịu khuất. Tưởng nó phải thay lòng đổi dạ, biết lẽ tới lui; ngờ đâu còn kiếm kế tìm phương, gây mầm tội nghiệt. Cậy mình là phải, chỉ quen đổ vạ cho người; tham công một thời, chẳng bõ bày trò dở duốc. Ðến nỗi đứa trẻ con như Tuyên-Ðức, nhàm võ không thôi; lại sai đồ nhút nhát như Thạnh, Thăng đem dầu chữa cháy.

Năm Ðinh-Mùi tháng chín, Liễu-Thăng từ Khâu-Ôn tiến sang. Lại năm nay tháng mười, Mộc-Thạnh từ Vân-Nam kéo đến. Ta đã điều binh thủ hiểm, để ngăn lối Bắc quân; ta lại sai tướng chẹn ngang, để tuyệt đường lương đạo. Mười tám, Liễu-Thăng thua ở Chi-Lăng; hai mươi, Liễu-Thăng chết ở Mã-Yên. Hai mươi lăm, Lương-Minh trận vong; hai mươi tám, Lý-Khánh tự vẫn. Lưỡi đao ta đang sắc, ngọn giáo gặc phải lùi. Lại thêm quân bốn mặt vây thành; hẹn đến rằm tháng mười diệt tặc.

Sĩ tốt ra oai tì hổ, thần thứ đủ mặt trảo nha.

Gươm mài đá, đá núi cũng mòn; voi uống nước, nước sông phải cạn.

Ðánh một trận sạch không kình ngạc; đánh hai trận tan tác chim muông.

Cơn gió to trút sạch lá khô; tổ kiến hổng sụt toang đê cũ.

Thôi-Tụ phải quỳ mà xin lỗi; Hoàng-Phúc tự trói để ra hàng.

Lạng-Giang, Lạng-Sơn, thây chất đầy đồng; Xương-Giang, Bình-Than, máu trôi đỏ nước.

Ghê gớm thay! Sắc phong vân phải đổi. Thảm đạm thay! Sáng nhật nguyệt phải mờ.

Binh Vân-Nam nghẽn ở Lê-Hoa, sợ mà mất mật; quân Mộc-Thạnh tan chưng Cần-Trạm, chạy để thoát thân. Suối máu Lãnh-Câu, nước sông rền rĩ; thành xương Ðan-Xá, cỏ nội đầm đìa. Hai mặt cứu binh, cắm đầu trốn chạy; các thành cùng khấu, cởi giáp xuống đầu.

Bắt tướng giặc mang về, nó đã vẫy đuôi phục tội. Thể lòng trời bất sát, ta cũng mở đường hiếu sinh. Mã-Kỳ, Phương-Chính, cấp cho năm trăm chiếc thuyền, ra đến bể chưa thôi trống ngực; Vương-Thông, Mã-Anh, phát cho vài nghìn cỗ ngựa, về đến Tàu còn đổ mồ hôi.

Nó đã sợ chết cầu hòa, mở lòng thú phục; ta muốn toàn-quân làm cốt, cả nước nghỉ ngơi. Thế mới là mưu kế thật khôn, vả lại suốt xưa nay chưa có. Giang san từ đây mở mặt; xã tắc từ đây vững bền. Nhật nguyệt hối mà lại minh; Kiền, Khôn, Bĩ mà lại Thái. Nền vạn thế xây nên chăn chắn; thẹn nghìn thu rửa sạch làu làu. Thế là nhờ trời đất tổ tông khôn thiêng giúp đỡ cho nước ta vậy.

Than ôi!

Vẫy vùng một mảnh nhung y, nên công đại định. Phẳng lặng bốn bề thái vũ, mở hội vĩnh thanh.

Bá cáo xa gần,

Ngỏ cùng nghe biết.



Ghi chú:

(*) Bình Ngô Ðại Cáo nguyên bản Hán văn và bản dịch của Bùi Kỷ, được trích lại trong Lam Sơn Thực Lục (trang 50, 51 và 64, 70).

Nguồn:   Dương Quảng Hàm. (1968). Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Bộ Giáo dục Trung tâm Học liệu, 1968, trang 273-276.


Chú thích:

(0) Ngô 吳: Chu Nguyên Chương 朱元璋 (1328-1398), lúc đầu xưng là Ngô Vương 吳王, lập ra triều Minh, trở thành Minh Thái Tổ 明太祖.

(1) điếu phạt: Tống Thư 宋書 (Tác Lỗ truyện 索虜傳): Điếu dân phạt tội 弔民伐罪 Vì thương xót nhân dân chịu tàn hại mà đem quân trừng phạt kẻ có tội.

(2) Lưu Cung 劉龔: vua Nam Hán 南漢 (Trung Quốc) từng sai con là Hoằng Thao đem quân xâm lược bị Ngô Quyền đánh bại trên sông Bạch Đằng.

(3) Triệu Tiết 趙卨: tướng nhà Tống đem quân xâm lược Đại Việt bị Lý Thường Kiệt đánh đuổi.

(4) Toa Đô 唆都: tướng lĩnh nhà Nguyên sang đánh nước ta đời Trần. Ghi chú: Sử Tàu chép Toa Đô tử trận ở Càn Mãn Giang 乾滿江, còn có tên là Thị Kiều Giang 市橋

江, tức là sông Cầu ở bắc Việt Nam ngày nay (cf. Nguyên sử 元史, Toa Đô truyện 唆都傳).

(5) Ô Mã Nhi 烏馬兒: tướng nhà Nguyên bị bắt sống ở sông Bạch Đằng năm 1288.

(6) Chỉ Hồ Quý Ly 胡季犛 (1336–1407).

(7) mại quốc 賣國: vì lợi riêng thông đồng với địch làm nguy hại nước nhà.

(8) xích tử 赤子: con nhỏ mới đẻ (da thịt còn đỏ). ◇Thư Kinh 書經: Nhược bảo xích tử 若保赤子 (Khang cáo 康誥) Như nuôi nấng con đỏ. § Tỉ dụ bách tính, nhân dân.

(9) huyền lộc 玄鹿: hươu đen (theo truyền thuyết). § Ngày xưa cho rằng ăn thịt nó thì được sống lâu.

(10) quan quả điên liên 鰥寡顛連: quan quả 鰥寡: người góa vợ, người góa chồng; điên liên 顛連: vô cùng khốn khổ. ◇張載 Trương Tái: Phàm thiên hạ bì lung tàn tật, quỳnh độc quan quả, giai ngô huynh đệ chi điên liên nhi vô cáo giả dã 凡天下疲癃殘疾, 惸獨鰥寡, 皆吾兄弟之顛連而無告者也 (Tây minh 西銘) Trong cõi đời, những người già yếu bệnh hoạn tàn tật, côi cút trơ trọi góa bụa, hết sức khốn khổ không kẻ đoái hoài, (những người này) đều là những anh em của tôi cả.

(11) kiệt hiệt 桀黠: hung ác gian trá.

(12) giải vũ 廨宇: phòng ốc sở quan, quan xá.

(13) khánh nam san chi trúc 罄南山之竹: ◇Cựu Đường Thư 舊唐書: Khánh nam san chi trúc, thư tội vị cùng. Quyết đông hải chi ba, lưu ác nan tận 罄南山之竹, 書罪未窮. 決東海之波, 流惡難盡 (Lí Mật truyện 李密傳) Hết cả tre núi nam, viết tội chẳng cùng. Khơi sóng biển đông, khó trôi hết ác. § Ý nói tội ác quá nhiều, không thể viết cho hết.

(14) phấn tích 奮跡: phấn khởi dấn thân hành động. ◇Nguyễn Trãi 阮廌: Dư phấn tích Lam Sơn, tê thân hoang dã 予奮跡藍山, 棲身荒野 (Bình Ngô đại cáo 平呉大誥) Ta dấy nghĩa ở núi Lam Sơn, náu mình nơi hoang dã.

(15) hư tả 虛左: lễ xưa chỗ bên trái là địa vị tôn quý. Sau gọi hư tả 虛左 là để trống chỗ ngồi bên trái chờ người hiền tài.

(16) chửng nịch 拯溺: cứu người bị đắm chìm. Phiếm chỉ cứu giúp, tế trợ.

(17) Linh Sơn 靈山: núi Chí Linh 至靈 ở thượng du Thanh Hóa.

(18) yết can vi kì 揭竿為旗: giơ gậy tre lên làm cờ.

(19) manh lệ 氓隸: chỉ nhân dân, dân hèn mọn (ngày xưa).

(20) đầu dao 投醪: đem rượu đổ xuống sông, cùng uống với binh sĩ. Tỉ dụ quân và tướng đồng cam cộng khổ.

(21) Bồ Đằng 蒲藤: tên núi, nay thuộc huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An.

(22) điện xiết 電掣: chớp xẹt. Tỉ dụ mau lẹ, tấn tốc.

(23) Trà Lân 茶麟: thuộc huyện Con Cuông, phủ Trà Lân, ở miền núi Nghệ An ngày nay.

(24) Trần Trí 陳智, San Thọ 山壽, Lí An 李安, Phương Chính 方政: tên các tướng của quân Minh.

(25) Hồ Quý Ly thiên đô về Thanh Hóa, gọi là Tây Kinh 西京; và đổi tên Thăng Long thành Đông Đô 東都.

(26) Ninh Kiều 寧橋: nay là thị trấn Chúc Sơn, thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ Hà Nội ngày nay.

(27) Tốt Động 窣洞: cũng thuộc địa bàn huyện Chương Mỹ Hà Nội ngày nay.

(28) Trần Hiệp 陳洽, Lí Lượng 李亮, Vương Thông 王通, Mã Anh 馬瑛: tên các tướng của quân Minh.

(29) tâm công 心攻: đánh vào lòng người. ◇Ngô Thế Vinh 吳世荣: "Bình Ngô sách hiến mưu chước lớn, không nói đến việc đánh thành, mà lại nói đến việc đánh vào lòng người. Cuối cùng nhân dân và đất đai của 15 đạo nước ta sẽ đem về cho nước ta cả." (Tựa Ức Trai di tập)

(30) tốc cô 速辜: rước lấy tội vạ. ◇Thượng Thư 尚書: Thiên phi ngược, duy dân tự tốc cô 天非虐,惟民自速辜 (Tửu cáo 酒誥) Trời không tàn hại, chỉ tự người làm ác mà rước lấy tội vạ.

(31) Tuyên Đức 宣德: niên hiệu của vua Tuyên Tông 宣宗 (1426-1435) nhà Minh.

(32) Thạnh 晟 Thăng 昇: chỉ Mộc Thạnh 木晟 và Liễu Thăng 柳昇, tướng nhà Minh được đưa sang cứu viện.

(33) Khâu Ôn 邱溫: địa danh (nay thuộc tỉnh Lạng Sơn).

(34) Chi Lăng 支稜: địa danh (nay thuộc tỉnh Lạng Sơn).

(35) Mã Yên 馬鞍: núi thuộc xã Mai Sơn (tỉnh Lạng Sơn).

(36) Lương Minh 梁銘: tướng nhà Minh, tử trận ở Chi Lăng.

(37) Lý Khánh 李慶: tham tán quân vụ (phó tướng của Liễu Thăng), chết năm 1427 ở Chi Lăng.

(38) tì hưu 貔貅: một con thú, loài báo, rất mạnh. § Tỉ dụ tướng sĩ dũng mãnh. ◇Nguyễn Trãi 阮廌: Vạn giáp diệu sương tì hổ túc 萬甲耀霜貔虎肅 (Quan duyệt thủy trận 觀閱水陣) Muôn áo giáp ánh sương, oai nghiêm như hùm báo.

(39) kình 黥: dùng thông với kình 鯨 cá kình. ◇Nguyễn Trãi 阮廌: Ngao phụ xuất sơn sơn hữu động, Kình du tắc hải hải vi trì 鰲負出山山有洞, 鯨遊塞海海爲池 (Long Đại Nham 龍袋岩) Con ba ba đội núi nổi lên, núi có động, Cá kình bơi lấp biển, biển thành ao.

(40) Thôi Tụ 崔聚: đô đốc triều Minh.

(41) Hoàng Phúc 黃福: thượng thư triều Minh.

(42) Lạng Giang 諒江: tên đất, nay thuộc Hà Bắc.

(43) Bình Than 平灘: bến sông thuộc Hải Hưng.

(44) Lê Hoa 梨花: địa danh. Theo sách "Nguyễn Trãi Toàn Tập Tân Biên" (trang 35): "có lẽ là vùng giáp giới Lào Cai ngày nay hoặc ở Mông Tự (Vân Nam)."

(45) thần vũ bất sát 神武不殺: ◇Dịch Kinh 易經: Cổ chi thông minh duệ trí,thần vũ nhi bất sát giả phù 古之聰明睿知,神武而不殺者夫 (Hệ từ thượng 繫辭上) Những bậc người xưa thông minh sáng suốt, dùng uy vũ một cách thần diệu mà không giết hại.


Tài liệu tham khảo:


1. Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, 1968, Bộ Giáo Dục Trung tâm Học Liệu.

2. Trần Trọng Kim, Việt Nam sử lược, 1971, Bộ Giáo Dục Việt Nam Cộng Hòa.

3. Võ Văn Ái, Nguyễn Trãi, Sinh Thức và Hành Động, 1981, Quê Mẹ xuất bản, Paris.

4. Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Học, 2000, Nguyễn Trãi Toàn Tập Tân Biên, Nhà xuất bản Văn Học.